Sử dụng thẻ in đậm, in nghiêng, gạch chân thế nào trong trang web?
Việc sử dụng thẻ in đậm, in nghiêng thế nào cho đúng cách sẽ góp phần làm cho trang web dễ đọc hơn với người dùng. Bằng cách đó sẽ góp phần tăng chất lượng, tăng thời gian xem trang. Những yếu tố đó sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả SEO.
Vấn đề là hiểu và sử dụng những thẻ này như thế nào cho đúng cách và hiệu quả.
Đó chính là nội dung mà tôi muốn trình bày trong bài viết này.
NỘI DUNG CHÍNH
- Tác dụng của các thẻ in đậm, in nghiêng, gạch chân…
- Google nghĩ gì về các thẻ định dạng bôi đậm, in nghiêng…?
- Có nên sử dụng chữ in đậm, in nghiêng với từ khóa hay không?
- Tại sao vẫn nên sử dụng định dạng bôi đậm, in nghiêng… trên trang web?
- Sự khác nhau giữa 2 cặp thẻ <b> và <strong>, <i> và <em>
- Còn các thẻ định dạng khác thì sao? Có tác dụng gì trong SEO không?
- Một số thói quen tốt khi sử dụng thẻ bôi đậm in nghiêng trên website
Khi nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật SEO chắc hẳn chúng ta đều đã sử dụng các cách định dạng để làm nổi bật từ khóa. Có thể thấy các định dạng phổ biển như sau:
- In đậm
- In nghiêng
- Gạch chân
- Gạch ngang
- Đổi màu chữ sang xanh
- Đổi màu nền sang vàng
Nếu để ý, bạn sẽ thấy khoảng hơn chục năm trước các website cũ dùng các thẻ này khá nhiều (đôi khi là quá nhiều), mục đích là để thu hút người dùng chú ý và đưa từ khóa lên Top. Thời đó thì làm vậy khá hiệu quả, vì các cỗ máy tìm kiếm (Search Engine - SE) còn khá thô sơ.
Hiện nay tôi vẫn thấy khá nhiều website vẫn áp dụng cách cũ: bôi đậm, in nghiêng, chữ màu mè tùm lum. Ví dụ như website của 1 công ty diệt côn trùng như hình dưới (tôi đã xóa tên công ty):
Lạm dụng thẻ in đậm, in nghiêng, đổi màu chữ...
Hay như website dịch thuật này, thậm chí còn để chữ đủ màu xanh đỏ tím rất sặc sỡ.
Định dạng màu chữ xanh đỏ quá nhiều
Việc sử dụng thẻ bôi đậm, in nghiêng, bôi màu… thái quá như vậy liệu có hiệu quả hay không? Đứng từ góc độ người dùng (chứ không phải Google) thì bạn thấy cách này có ổn không?
Cá nhân tôi thì cho là định dạng sặc sỡ quá nhìn rất không ổn.
Vì sao?
Vì nó hơi “thô”, hơi “sỗ sàng”. Họ lạm dụng cách dùng công cụ in đậm, in nghiêng… để làm SEO. Nhìn rất phản cảm.
Thế nên sẽ bị phản tác dụng.
Muốn nói gì thì cũng phải nhẹ nhàng, tự nhiên mà trình bày. Cớ gì mà cứ “sồn sồn” lên mà “hét” vào mặt người ta thế.
Người dùng thường sẽ không thích cách đó, và (sớm hay muộn) Google cũng nhận ra hành vi người dùng như vậy. Nghĩa là sử dụng các thẻ bôi đậm in nghiêng tùy tiện sẽ không có hiệu quả, đôi khi còn gây phản cảm với người đọc.
Giờ tôi sẽ phân tích những thẻ đó còn hữu ích không, và nếu có thì cách dùng thế nào mới hiệu quả nhé.
Tác dụng của các thẻ in đậm, in nghiêng, gạch chân, gạch ngang chữ…
Thực ra khái niệm và tác dụng các định dạng này khá dễ hiểu, vì nó cũng tương tự như trình soạn thảo văn bản MS Word.
Chắc hẳn bạn cũng đã quen với những định dạng này phải không nào?
Công dụng chính của chúng là tạo sự nổi bật, và có thể kèm theo những thông điệp khác nữa tùy theo mỗi loại (chẳng hạn có hàm ý quan trọng, nhấn mạnh, nội dung đã bị xóa bỏ…). Không phải chỉ trên website, mà trong các văn bản soạn thảo bằng MS Word, chúng ta cũng nhận thấy vai trò này của các định dạng văn bản.
Google nghĩ gì về các thẻ định dạng bôi đậm, in nghiêng…?
Không có tài liệu chính thức từ Google khẳng định về nội dung này.
Nhưng chúng ta có thể tham khảo phát biểu không chính thức trên Twitter của John Mueller - chuyên gia cao cấp của Google. Có thể tạm dịch nhận định của Mueller thế này: “Bạn có thể sẽ được nhiều từ việc bôi đậm chữ cho người đọc xem. Các con Bot có thể thích điều đó, nhưng chúng cũng chẳng đánh giá gì nhiều”.
Đây là câu nói trên Twitter của Mueller:
You'll probably get more out of bolding text for human users / usability in the end. Bots might like, but they're not going to buy anything. — 🍌 John 🍌 (@JohnMu) July 6, 2017
Đại ý của câu trên nói rằng: Google không quan tâm lắm đến các thẻ bôi đậm văn bản.
Nếu vậy, câu hỏi đặt ra là…
Có nên sử dụng chữ in đậm, in nghiêng với từ khóa hay không?
Cũng như bản thân tag keyword, trước đây rất quan trọng khi Search Engine xác định nội dung chính của trang. Việc định dạng từ khóa một cách có chủ ý để tăng thứ hạng đã từng có hiệu quả SEO.
Chính vì thế mà các thẻ in đậm, in nghiêng đã bị lạm dụng. Các SEOer tìm cách thao túng các SE bằng cách nhồi nhét từ khóa vào các thẻ quan trọng như Title, Meta Description, Meta Keyword, các thẻ Heading, và cả trong nội dung của trang nữa.
Khi các SE thông minh hơn, nhất là Google, thì việc cố ý bôi đậm in nghiêng từ khóa không còn hiệu quả như trước. Nhiều tài liệu hiện nay, cũng như phát biểu phía trên của Mueller đều khẳng định rằng từ khóa bôi đậm, in nghiêng chẳng có tác dụng nhiều với SEO website. Và rằng Google bỏ qua các định dạng này khi đánh giá xếp hạng trang.
Vậy, có thể kết luận là…
Không cần lạm dụng định dạng hiệu ứng bôi đậm, in nghiêng, màu nền… cho từ khóa
Vậy…
Tại sao chúng ta vẫn nên sử dụng định dạng bôi đậm, in nghiêng… trên trang web?
Bởi vì việc dùng đúng cách sẽ hướng tới người dùng (chứ không phải cho SE). Văn bản được định dạng hợp lý sẽ giúp người dùng lướt nhanh và hiệu quả hơn. Nhờ đó, họ dễ ở lại trang lâu hơn (ngược lại, họ sẽ out nhanh hơn), và giảm tỷ lệ thoát trang (Bounce rate).
Nói cách khác, định dạng hợp lý giúp cải thiện trải nghiệm người dùng khi xem nội dung trang web của bạn. Đó có thể được xem là yếu tố gián tiếp giúp tăng hiệu quả SEO.
Chỉ lưu ý rằng, bôi đậm in nghiêng những nội dung nào cần nhấn mạnh (và hữu ích) với người đọc. Tuyệt đối không sử dụng định dạng này chỉ nhằm mục đích SEO, vì nhiều khả năng sẽ phản tác dụng.
Sự khác nhau giữa 2 cặp thẻ <b> và <strong>, <i> và <em>
Trước đấy khi chưa tìm hiểu kỹ, tôi cũng không phân biệt rạch ròi giữa thẻ <b> và thẻ <strong>, do chúng hiển thị giống nhau trên web: bôi chữ đậm.
Tương tự, tôi cũng không để ý sự khác nhau giữa thẻ <i> và thẻ <em>, vì chúng đều có tác dụng thể hiện: chữ in nghiêng.
Nhưng khi cung cấp dịch vụ SEO cho khách hàng và có điều kiện tìm hiểu sâu hơn, thì tôi mới hiểu rõ được sự khác nhau:
- Thẻ <b> và <i> dùng để bôi đậm và in nghiêng chữ, và không có thêm tác dụng nhấn mạnh. Cơ bản 2 thẻ này chỉ hướng dẫn trình duyệt đoạn văn bản đó cần được hiển thị thế nào, chứ không nhấn mạnh vào nội dung đặt trong thẻ.
- Thẻ <strong> và <em> sử dụng để nhấn mạnh yếu tố ngữ nghĩa.
<strong> định nghĩa chữ in đậm, và thêm tầm quan trọng được nhấn mạnh. Trong tiếng Anh từ "strong" nghĩa là "mạnh mẽ".
Còn thẻ <em> thể hiện chữ in nghiêng, với tầm quan trọng được nhấn mạnh ngữ nghĩa. "em" là viết tắt của từ emphasized nghĩa là "nhấn mạnh".
W3 đã giải thích rõ:
<b> and <i> defines bold and italic text, but <strong> and <em> means that the text is "important".
Còn các thẻ định dạng khác thì sao? Có tác dụng gì trong SEO không?
Một số thẻ định dạng khác như: gạch chân, đổi màu chữ, đổi màu nền… thì sao?
Cũng có tác dụng thể hiện sự khác biệt, nhằm truyền tải một thông điệp nào đó, và thu hút sự chú ý của người đọc:
- Thẻ <u> gạch chân (underline): mục đích để thu hút chú ý, nhưng ít được sử dụng, vì dễ gây nhầm lẫn với đường liên kết (link)
Thẻ <strike> gạch ngang chữ (strikethrough), kiểu như thế này. Trong HTML5, không còn dùng thẻ <strike> nữa, mà dùng thuộc tính text-decoration
<p style="text-decoration:line-through;">Dòng này bị gạch ngang</p>
- Nếu bạn muốn gạch ngang để xóa bỏ thông tin thì dùng thẻ <del> sẽ phù hợp hơn. Chẳng hạn trong các trang sản phẩm, giá bán cũ bị gạch ngang nhưng vẫn hiển thị để người dùng “theo dõi vết” và so sánh giá cũ với giá mới (đã giảm), tạo động lực mua hàng:
Giá cũ của sản phẩm bị gạch ngang để người dùng so sanh với giá ưu đãi
- Thẻ đổi màu nền <mark>: nhằm đánh dấu đoạn văn bản bằng màu nền khác biệt, chẳng hạn như màu nền vàng. Mục đích cũng là để truyền đạt một ý tưởng nào đó của người viết (hoặc admin), thường để đánh dấu.
- Thuộc tính đổi màu chữ (color): để cho chữ màu nào đó, chẳng hạn chữ màu xanh. Đổi màu chữ có thể là để làm nổi bật, hoặc để thể hiện 1 chủ ý mang tính thẩm mỹ mà người quản trị muốn đưa vào trang. Thuộc tính này cần thực hiện bằng CSS: color: blue;
Việc sử dụng các thẻ html và thuộc tính nêu trên không làm tăng thứ hạng trang web, nhưng cũng có tác dụng truyền đạt thông tin rõ hơn đến người dùng. Và do đó, theo quan điểm của tôi, sẽ tạo tác dụng tích cực gián tiếp đến kết quả SEO.
Một số thói quen tốt khi sử dụng thẻ bôi đậm in nghiêng trên website
Về mặt lý thuyết như tôi đã nêu ở trên, định dạng thế nào là để người dùng dễ dàng đọc hơn, và không nên định dạng để làm SEO.
Vậy ngắn gọn, thì cách sử dụng hợp lý là như thế nào?
Cách hay nhất là tham khảo quy tắc chuẩn HTML chính thức của w3schools.com
- Các tiêu đề nên đặt trong thẻ <h1> đến <h6>
- Khi nhấn mạnh nội dung thì dùng thẻ <em> (cũng hiển thị chữ in nghiêng)
- Cụm từ nào cần nhấn mạnh thì dùng thẻ <strong> (cũng hiển thị chữ bôi đậm)
- Đoạn văn bản nào cần đánh dấu thì đặt trong thẻ <mark>
Riêng với website sử dụng phiên bản HTML5 thì lưu ý thêm:
- Chỉ sử dụng thẻ <b> và <i> như phương cách CUỐI CÙNG khi không còn thẻ nào phù hợp hơn
- Thẻ <i> thể hiện các thuật ngữ mang tính kỹ thuật (ví dụ: điện áp, công suất), cụm từ trong ngôn ngữ khác (ví dụ: Good morning!), một tên gọi nào đó (ví dụ: Bill Gates)...
- Thẻ <b> có thể dùng để bôi đậm, nhưng bạn nên sử dụng thuộc tính “font-weight” trong CSS.
Người dùng internet có xu hướng đọc lướt, cứ không đọc từng từ. Việc sử dụng chữ in đậm, in nghiêng có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng của trang, nhưng lại giúp người dùng dễ đọc và hiểu nội dung tốt hơn. Điều đó rõ ràng cải thiện trải nghiệm người dùng và giảm tỷ lệ thoát trang - một trong những mục tiêu chính của việc làm SEO website.
Đến đây tôi xin kết thúc bài viết. Nếu bạn có nhu cầu tìm đơn vị thuê dịch vụ tối ưu hóa thì vui lòng liên hệ. Công ty tôi chuyên về thiết kế website, cũng như làm dịch vụ SEO tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, và cảng tỉnh thành phía bắc khác.
Hy vọng có dịp được tư vấn và hợp tác!