tạo website

Cách tạo website thế nào - Hướng dẫn cho người chưa từng biết

Cách tạo website thế nào - Hướng dẫn từ chưa biết gì

Cách tạo website thế nào - Hướng dẫn từ chưa biết gì

Trong bài viết này tôi sẽ hướng dẫn cách tạo website nhanh chóng để bạn có thể sử dụng cho mục đích công việc của mình. Hãy sẵn sàng xây dựng cho mình 1 công cụ kinh doanh nhé.

Bạn muốn biết ngay cách làm thế nào? Cách dễ nhất với hầu hết mọi người là sử dụng công cụ dựng website, chẳng hạn như Haravan hay Sapo.

Đến nay việc tự làm website không còn quá khó như trước đây nữa. Bạn sẽ được hỗ trợ đắc lực từ các công cụ được thiết kế riêng cho những người muốn tự làm. Và như tôi thấy thì nhiều cá nhân và doanh nghiệp mới khởi nghiệp đều cân nhắc tới phương án này.

Theo cách này, bạn chẳng cần dùng đến những dòng mã code phức tạp, khó hiểu, và “vô hồn”. Thậm chí, bạn cũng không cần phải chia sẻ nguồn ngân sách của mình để thuê công ty thiết kế website.

Tất cả những gì bạn cần là 1 chiếc máy tính có kết nối internet, và 1 đến 2 buổi sáng để thực hiện. Tất nhiên, ở đây tôi giả định rằng bạn đã có ý tưởng rõ ràng trong đầu về website mà mình đang muốn xây dựng, gồm: mục đích của website (hỗ trợ kinh doanh), loại hình website (gian hàng online)...

Với những chuẩn bị khá cơ bản đó, là bạn có thể bắt đầu.

Trong phần hướng dẫn chi tiết này, tôi sẽ cho bạn thấy cách tạo trang web từ đầu, từ mức độ chưa biết gì. Và đến khi thực hiện xong, bạn sẽ có 1 website hoàn chỉnh, để sử dụng ngay cho công việc của mình.

Trước hết, tôi muốn giới thiệu nhanh…

Căn bản hoạt động của 1 website

Để biết cách lập trang web, bạn cần hiểu một cách sơ lược về cách thức 1 website hoạt động như thế nào.

Thực ra cũng khá đơn giản. Mỗi website để hoạt động được trên internet, đều cần 2 yếu tố. Đó là:

  1. Tên miền (domain name): là tên ngắn gọn về địa chỉ website của bạn, thường ở phần cuối có dạng .com, .net, .vn, v.v… Chẳng hạn như tên miền website này là carly.com.vn.
  2. Nơi lưu trữ web (web host): là nơi website tồn tại. Đó là chỗ chứa mà bạn sử dụng để lưu trữ thông tin website.

Các yếu tố trên cũng tương tự như mỗi ngôi nhà (website) cần có địa chỉ (domain) và mảnh đất (host) thì mới đầy đủ và sinh sống được vậy.

Và để cho ngôi nhà được như ý, chúng ta cần có thiết kế và thi công. Để website của bạn độc đáo và hấp dẫn người đọc, bạn sẽ cần một trình dựng website (tiếng Anh gọi là Website builder). Công cụ này sẽ cho phép bạn tạo các trang web, các bài viết, đưa lên âm thanh hình ảnh, hay bất kỳ nội dung gì bạn muốn xuất hiện trên website của mình.

Và đó là công cụ Web builder như Sapo hay Haravan... mà tôi đang muốn nói tới.

Chúng vừa giúp xây dựng web, vừa lưu trữ website cho bạn. Đó là những công cụ phát triển website đơn giản bằng tiếng Việt được cho là tốt nhất hiện nay. Nếu bạn muốn phát triển bằng tiếng Anh thì dùng công cụ Wix cũng rất tốt). Bạn có thể tạo và hoàn thiện 1 website chỉ bằng thao tác chính là kéo thả, và chỉ sau một vài giờ đồng hồ là web đã có thể hoạt động.

Trong phần dưới đây, tôi sẽ hướng dẫn từng bước cách tạo website bán hàng bằng cách dùng website builder này.

PHẦN 1: Cách làm website trong 6 bước với Haravan

Dưới đây là 6 bước bạn cần thực hiện để tạo 1 website với nền tảng Haravan:

  • Bước 1: Đăng ký tạo website
  • Bước 2: Thêm một nhóm sản phẩm
  • Bước 3: Tạo sản phẩm mới
  • Bước 4: Lựa chọn và thay đổi giao diện website
  • Bước 5: Tạo menu liên kết
  • Bước 6: Thay Đổi Tên Miền Và Cài Đặt Chung Cho Website

Giờ chúng ta sẽ bắt tay vào làm từng bước nhé:

Bước 1: Đăng ký tạo website

Việc tạo website bán hàng với Haravan diễn ra khá dễ dàng. Bạn chỉ cần đăng ký 1 tài khoản miễn phí, rồi làm theo các bước hướng dẫn, là đã có thể tạo trang web dùng thử miễn phí trong 14 ngày (Sau đó phải trả phí mới được dùng tiếp).

Haravan phù hợp nhất cho các website bán hàng online.

Những web-builder kiểu này cũng có điểm hạn chế. Họ thường không phù hợp với các site có quy mô lớn, và thường không cho khách hàng tùy biến sâu vào hệ thống. Ngoài ra, cũng không cho phép sử dụng những tính năng cao cấp. Thực tế thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới lập website cũng không cần đến những tính năng như vậy. Do đó, bạn hoàn toàn có thể thấy giá trị của hệ thống nhờ tính đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo thẩm mỹ.

Với những thông tin sơ lược như vậy, giờ chúng ta sẽ thao tác luôn.

Vào haravan.com rồi nhấn vào “Dùng thử miễn phí”. Bạn có thể tham khảo thêm các thông tin giới thiệu trên đó nếu muốn.

Đăng ký tài khoản dùng thử của Haravan

Bạn tạo tài khoản miễn phí (14 ngày) bằng cách: đặt tên cửa hàng, điền địa chỉ email và số điện thoại, sau đó đặt mật khẩu để đăng nhập. Trước đây, Haravan cho đăng nhập bằng tài khoản Facebook, nhưng đến nay (2020) đã bỏ tùy chọn này, và bạn phải khai báo những thông tin cần thiết.


Tên cửa hàng

Tên cửa hàng thực ra là tên miền phụ cho website miễn phí của bạn trên hệ thống của Haravan. Chẳng hạn, nếu tôi đặt tên cửa hàng của mình là “CarlyShop”, thì địa chỉ website miễn phí trên hệ thống này sẽ là CarlyShop.myharavan.com. Bạn hiểu ý rồi chứ?

Trường hợp bạn nhập tên cửa hàng đã có người khác chọn trước, thì hệ thống sẽ báo lỗi, và bạn thay đổi cho đến khi không còn bị trùng nữa là được. Việc này cũng tương tự như khi bạn chọn tên người dùng khi lập tài khoản Gmail hay Facebook vậy.

Lưu ý: bạn cần nhớ tên cửa hàng đã đăng ký để có thể đăng nhập vào hệ thống (như ví dụ trên: tôi sẽ đăng nhập tại địa chỉ CarlyShop.myharavan.com).

Sau này, khi bạn đăng ký tên miền, thì sẽ đổi về đúng tên miền riêng của bạn.

Địa chỉ email và số điện thoại

Cần nhập thông tin chính xác, vì Haravan sẽ liên hệ với bạn qua email, số điện thoại đó để gửi bạn các thông báo, hướng dẫn, khuyến mãi, sự kiện… có liên quan.

Sau khi hoàn tất, nhấn nút “Tạo cửa hàng”. Bạn được chuyển tới website với tên miền phụ là tên cửa hàng đã chọn. Đăng nhập vào để tiếp tục…


Đánh dấu vào những lựa chọn phù hợp: bạn định bán hàng online, trên Facebook, hay tại cửa hàng?

Sau đó, cập nhật thông tin của bạn: họ tên, địa chỉ, thành phố. Nhấn “Tiếp theo”

 

Tiếp tục bổ sung thêm thông tin:

  • Bạn định kinh doanh sản phẩm? Vd: thời trang, mẹ và bé, công nghệ, nội thất...
  • Bạn đã từng kinh doanh online chưa?
  • Bạn dự tính đạt doanh thu bao nhiêu mỗi tháng?

Và lựa chọn thêm nếu:

  • Bạn đang thiết kế website cho khách hàng
  • Bạn muốn sử dụng dữ liệu mẫu

Nhấn “HOÀN TẤT” và đợi hệ thống khởi tạo website. Sau khi xong, bạn sẽ được chuyển tới cửa sổ quản trị website.

 

Đến thời điểm này, cơ bản bạn đã có 1 website. Giờ có thể xem web vừa tạo bằng cách nhấn vào biểu tượng góc trái, cạnh chữ haravan.

 

Đây là giao diện mặc định, bạn có thể thay đổi theo ý mình ở bước sau.

 


Hãy thử trải nghiệm giao diện mặc định bằng cách nhấp vào menu các trang, cũng là cách bạn làm quen với hoạt động của website mà mình sẽ xây dựng và hoàn thiện.

Sau bước này, nếu bạn muốn đăng nhập lại thì vào đường dẫn ở trên, nhập tên và mật khẩu đã lập là được.

Bước 2: Thêm một nhóm sản phẩm

Vì đây là website cho bán hàng, nên bạn cần cung cấp thông tin về sản phẩm. Bắt đầu là nhóm sản phẩm. Mỗi nhóm sẽ gồm các sản phẩm cụ thể có cùng 1 đặc tính nào đó, ví dụ: giầy nam, giầy nữ, giầy nhập khẩu...

Nhìn cột bên trái trong trang quản trị:

  • Chọn “Nhóm sản phẩm
  • Chọn “Tạo nhóm sản phẩm mới” ở bên trên góc phải.

Nhập thông tin về nhóm sản phẩm mà bạn đang tạo (tên, hình đại diện, mô tả ngắn), cùng với các lựa chọn phù hợp cho nhóm này. Nhấn “Lưu” khi hoàn tất. Lặp lại thao tác để tạo thêm các nhóm khác.

Bước 3: Tạo sản phẩm mới

Ở bước này, bạn sẽ tạo các sản phẩm cụ thể.

Vào trang quản trị, chọn “Sản phẩm” ở danh mục bên trái. Sau đó, chọn “Tạo mới sản phẩm” ở chính giữa (với sản phẩm đầu tiên) hoặc ở góc trên bên phải.

 

Trong trang sản phẩm mới vừa mở ra, bạn nhập các thông tin cần thiết:

  • Thông tin sản phẩm: gồm tên của sản phẩm, giá bán, giá so sánh (giá cao hơn và bị gạch ngang)
  • Chọn hình ảnh và tải lên, có thể nhiều ảnh 1 lần. Ảnh đầu tiên sẽ mặc định được chọn làm hình đại diện. Nếu muốn hình nào thì có thể kéo thả để chuyển lên vị trí đầu tiên.
  • Chọn danh mục (nhóm sản phẩm): Với mỗi sản phẩm, bạn có thể chọn nhiều danh mục khác nhau. Click vào “Chọn danh mục” và lựa chọn nhóm sản phẩm nào phù hợp.
  • Mô tả sản phẩm: Nhập càng chi tiết về sản phẩm càng tốt, mục đích là để giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm này, từ đó có thể mua hàng.
  • Nhập các thông tin khác: loại sản phẩm, nhà cung cấp, mã sản phẩm, Barcode, khối lượng, tùy chọn có sẵn (về kích thước, màu sắc)...
  • Tối ưu SEO (tiêu đề, mô tả, đường dẫn): nhằm tối ưu trang web với Google và các công cụ tìm kiếm khác

Nhấn “Lưu” sau khi hoàn tất các thao tác nhập thông tin trên. Có thể xem trang web về sản phẩm đó, để chỉnh sửa bổ sung nếu cần (thao tác tương tự).

Trong 2 bước trên bạn đã có các sản phẩm, kèm theo các nhóm sản phẩm. Giờ là lúc chuyển sang bước quan trọng...

Bước 4: Lựa chọn và thay đổi giao diện website

Trước hết cần tìm giao diện nào bạn muốn chọn.

Vào trang quản trị, chọn menu có tên là “Website” bên tay trái.

Chọn “Giao diện” trong submenu trượt ra.

 

Nhấn vào “Chọn giao diện” để vào kho các mẫu giao diện có sẵn của Haravan.

Nhấp vào “Xem thực tế” để xem giao diện nào mà bạn thấy quan tâm.

Khi đã chọn được mẫu nào hài lòng, nhấn vào “Mua ngay”, sau đó chọn “Cài đặt” để Haravan đưa mẫu giao diện này vào dùng cho website của bạn.

Bạn có thể tùy chỉnh sâu hơn trong phần “Thiết lập theme”, và chọn những mục phù hợp cho từng mẫu giao diện (logo, hình nền, màu sắc, kiểu chữ…). Phần này khá dài, chi tiết, và mang tính chuyên sâu về thiết kế website, nên tôi sẽ không hướng dẫn chi tiết ở đây.

Nhấn “Lưu” để ghi lại thông tin sau mỗi lần thay đổi.

Bước 5: Tạo menu liên kết

Phần này thiết lập hệ thống liên kết ở 3 vị trí:

  1. Menu chính
  2. Menu bên trái (trang chủ không có)
  3. Menu Footer

Có thể bổ sung thêm các menu con vào menu hiện tại.

 

Tùy từng theme mà vị trí danh mục menu có thể khác nhau, bạn có thể thay đổi trong phần "Thiết lập theme" tôi đã nói trong Bước 2 phía trên.

Để bắt đầu, vào mục Website > Menu, chọn “Chỉnh sửa Menu” tương ứng với nhóm menu muốn sửa, chẳng hạn với menu chính thì chọn “Chỉnh sửa Main Menu

 

Màn hình mở ra sẽ cho thấy những đường dẫn mặc định có sẵn, gồm: Trang chủ, Sản phẩm, Blog, Giới thiệu. Bạn có thể xóa các đường dẫn này bằng cách nhấn vào dấu “x” bên phải tương ứng với mỗi dòng.

Để thêm vào menu, nhấn vào “Thêm đường dẫn khác”.

Nhập thông tin bổ sung: Tên liên kết, Tên đích cần liên kết đến. Nếu chọn đích là “Trang”, thì sẽ cần Chọn trang cụ thể làm đích.

Nhấp “Lưu” để ghi lại.

Thao tác tương tự cho các Menu khác.

Khi hoàn tất bước này, website của bạn đã có những thành phần cơ bản của 1 Shop bán hàng. Bạn có thể sử dụng được rồi, tuy nhiên vẫn trên tên miền phụ của bạn, nhưng tên miền chính của Haravan (myharavan.com).

Giờ nếu bạn muốn chuyển hẳn sang tên miền của mình, thì sẽ thực hiện bước tiếp theo...

Bước 6: Thay Đổi Tên Miền & Cài Đặt Chung Cho Website

Để chuyển sang tên miền của riêng bạn, thao tác như sau:

Trong trang quản trị, vào “Website” => “Tên miền”, bạn sẽ thấy tên miền phụ hiện tại đang sử dụng (đã chọn trong Bước 1).

Đến đây, có 2 khả năng:

  1. Bạn đã mua tên miền riêng (hoặc tự mua bên khác, không phải Haravan), và giờ chỉ thiết lập khai báo vào hệ thống của Haravan để sử dụng cho website của mình.
  2. Bạn chưa có tên miền riêng, và muốn mua thông qua Haravan

Trường hợp 1: bạn không mua tên miền qua Haravan

Có thể bạn muốn tự mua tên miền mà không qua hệ thống của Haravan. Trường hợp này, bạn cần thực hiện các thao tác riêng để đặt mua tên miền.

Sau khi xong, nhà cung cấp sẽ gửi thông tin quản lý tên miền cho bạn qua email. Giờ bạn mở sẵn email đó để thao tác nhé.

Trong phần quản trị của Haravan, chọn “Thêm tên miền”. Sau đó nhập tên miền riêng của bạn vào ô trống, rồi nhấn “Lưu

 

Bạn vừa khai báo với Haravan về tên miền.

Giờ cần quay lại trang quản trị tên miền mà nhà cung cấp đã gửi cho bạn trong email, mà tôi vừa nói ở trên. Thông thường, nhà cung cấp tên miền có hướng dẫn cụ thể cách cấu hình domain. Bạn mở phần quản trị domain và làm theo hướng dẫn.

Việc cần thực hiện là cài đặt địa tên miền, trỏ tới chỉ IP của Haravan như hình dưới:


Nhấn “Hoàn tất”.

Ghi chú: Các bước cài đặt domain cần một thời gian nhất định, thường khoảng sau 24 tiếng đồng hồ thì mới có hiệu lực. Lúc đó tên miền mới “kết nối” được đến website của bạn.

Nếu chưa cấu hình xong, trên trang quản trị sẽ thấy thông báo “Chưa cấu hình” ở trong dòng Trạng thái.


Trường hợp bạn không thể tự cấu hình domain, thì có thể liên hệ với Hotline để nhờ Haravan hỗ trợ.

Khi đã cài đặt IP thành công, dòng trạng thái sẽ thể hiện chữ “OK”.

 

Đến đây, về cơ bản là xong. Bạn nên chọn thêm tên miền chính là có hay không có “www” để tối ưu hóa.

Đó là trường hợp thêm tên miền có sẵn vào hệ thống Haravan.

Trường hợp 2: mua domain mới qua Haravan

Nhấp vào “Mua tên miền” ở góc phải phía trên.

 

Nhập tên miền mong muốn của bạn, rồi nhấn “Kiểm tra hiệu lực” để hệ thống rà soát xem còn hay không.

Nếu đã ai đó mua trước, bạn sẽ nhận được thông báo lỗi “Tên miền không khả dụng”.


Khi đó cần kiểm tra hiệu lực tên miền khác, và lặp lại thao tác trên.

Đến khi chọn tên miền chưa có người mua, hệ thống không báo lỗi (lẽ ra nên thêm thống báo tên miền còn khả dụng để người dùng dễ biết). Lúc này, bạn cần chọn gói dịch vụ (mặc định 1 năm), điền thông tin liên hệ (tên, số CMND, số điện thoại, email, địa chỉ), phương thức thanh toán (mặc định là chuyển khoản ngân hàng).

Điền xong, nhấn “Xác nhận”, chuyển sang cửa sổ thông tin ngân hàng của Haravan để bạn chuyển khoản:

 

Bạn sẽ nhận được thông tin tên miền vừa đăng ký gửi qua email, chậm nhất là 24 tiếng đồng hồ sau khi thanh toán xong.

Như vậy, theo 1 trong 2 cách trên, đến bước này bạn đã kết nối xong và website của bạn đã hoạt động trên tên miền, như bao website khác.

Toàn bộ phần trên là hướng dẫn tạo website bán hàng với nền tảng Haravan.

Tiếp theo là nền tảng phổ biến khác...

PHẦN 2 - Cách khởi tạo website trong 5 bước với Sapo

Trong phần này tôi sẽ hướng dẫn các bước để khởi tạo website với nền tảng Sapo - một trình dựng website rất phổ biến khác ở Việt Nam hiện này.

Bước 1. Đăng ký dùng thử

Đầu tiên bạn mở tài khoản miễn phí. Từ trang chủ Sapo.vn nhấn vào “Dùng thử” ở góc phải phía trên.

Dùng thử Sapo miễn phí

Điền các thông tin cần thiết trong biểu mẫu đăng ký: họ tên, số điện thoại, email, tên cửa hàng, tên tỉnh thành, mật khẩu.

Bạn cũng có thể chọn cách đăng ký nhanh bằng tài khoản Facebook hoặc Google.

 

Sau khi đăng ký thành công, bạn sẽ thấy thông báo.

 

Trình duyệt chuyển sang trang quản trị như hình dưới. Bạn đã đăng ký tài khoản thành công và bắt đầu trải nghiệm dùng thử 15 ngày miễn phí.

 

Bước 2. Lựa chọn giao diện

Lựa chọn trong kho giao diện để chọn giao diện phù hợp cho website bán hàng của bạn.

Bước 3. Đăng sản phẩm

Để thêm sản phẩm mới, từ trang quản trị bạn

  • Chọn “Sản phẩm” sau đó “Danh sách sản phẩm
  • Nhấn “Thêm sản phẩm
  • Nhập thông tin chi tiết về sản phẩm: Tên sản phẩm, nội dung mô tả, giá bán, ảnh chụp, loại sản phẩm, nhà cung cấp, thẻ tag, tùy chỉnh tối ưu (SEO)...
  • Nhấn “Lưu” khi hoàn tất

Lặp lại các bước trên để thêm các sản phẩm khác. Sapo còn cho phép bạn nhập (hoặc xuất) danh sách sản phẩm hàng loạt thông qua file Excel.

Bước 4. Tạo danh mục sản phẩm

Tạo các nhóm sản phẩm tương đồng để thuận tiện cho việc quản lý của bạn, và cũng dễ dàng cho người dùng tìm kiếm. Cái này gọi là danh mục sản phẩm.

Từ trang quản trị, truy cập Sản phẩm và chọn Danh mục sản phẩm.

 

Nhấp vào nút “Tạo danh mục”. Trong mục “Chọn sản phẩm”, chọn “Thêm sản phẩm thủ công”.

Điền thông tin về danh mục vừa tạo: Tên danh mục, Mô tả, Upload ảnh đại diện, thêm Menu… Sau đó nhấn “Lưu” để hoàn tất.

Bạn vào lại danh mục đã tạo, sau đó chọn các sản phẩm cụ thể (đã tạo ở bước trên) để thêm vào danh mục đang mở.

Click vào nút “Lưu để lưu lại thông tin”. Đến đây bạn đã có thể thấy các sản phẩm được quản lý theo các danh mục trên website của mình.

Bước 5. Đăng ký tên miền

Trước hết bạn cần mua tên miền qua các nhà cung cấp (ví dụ Nhân Hòa). Sau khi mua xong, bạn sẽ được nhà cung cấp gửi thông tin quản lý domain qua email, kèm theo hướng dẫn của họ.

Bạn cần mở trang quản lý domain, và trỏ về IP của Sapo cung cấp để kết nối với website mà bạn đã thiết kế. Phần này liên quan đến nhà cung cấp domain cụ thể nào đó, nên tôi không thể hướng dẫn chi tiết tại đây.

Giờ ta sẽ cấu hình trỏ tên miền.

Trong trang quản trị Sapo, nhấp vào biểu tượng cấu hình (bánh răng) ở góc trái phía dưới.

 

Nhấp vào “Tên miền”, chọn “Thêm tên miền” phía dưới mục “Quản lý tên miền”.

Nhập tên miền mà bạn đã mua, rồi nhấn “Lưu”.

 


Hệ thống cần khoảng 24 tiếng để cập nhật kết nối. Khi hoàn thành, bạn sẽ thấy website của mình hoạt động trên tên miền của riêng bạn (như bao website khác).

Sau khi kết nối xong tên miền, bạn đã có 1 website hoạt động bình thường, trên nền tảng Sapo cung cấp.

-----------------------

Như vậy, bạn đã vừa xem xong hướng dẫn tạo 1 website, sử dụng trình tạo web phổ biến nhất hiện nay.

Nếu thực hiện đủ các bước, chắc hẳn bạn đã tạo xong website cho mình rồi. Có lẽ thời điểm này cần chúc mừng bạn!

Website đầu tiên đã dựng xong.

Nhưng, lỡ bạn thao tác không chính xác, và rối mù với một mớ hỗn độn những thao tác lạ hoắc thì sao? Bạn định dừng lại?

Đừng bỏ cuộc!

Hãy cố gắng hết sức, thử lại thêm 1 vài lẫn nữa. Công việc mới thường đòi hỏi thời gian và lòng kiên nhẫn.

Còn nếu tất cả những thứ đó đều không giải quyết được vấn đề, thì vẫn còn 1 cách cuối cùng: cân nhắc thuê dịch vụ chuyên nghiệp. Tất nhiên, điều đó cũng có 2 mặt, và tôi sẽ nói ngay sau đây.

Thuê người chuyên nghiệp để làm website cho bạn: nên hay không?

Không nên nếu bạn có thể tự làm và muốn tiết kiệm chi phí. Tất nhiên bạn cũng phải sẵn sàng bỏ thời gian để thực hiện các bước công việc theo hướng dẫn.

Ngược lại thì sao?

Khi bạn không thể tự làm vì lý do nào đó: thiếu thời gian, thiếu kỹ năng thao tác liên quan đến công nghệ thông tin (cụ thể là website)... Thì rõ ràng bạn cần thuê người có chuyên môn làm thay cho bạn.

Nếu thuê ngoài bạn có thể dùng dịch vụ của các công ty thiết kế website chuyên nghiệp, hoặc các cá nhân hoạt động tự do (gọi là freelancer).

Cách nào cũng có thể giúp bạn đạt mục đích: xây dựng cho mình 1 website để phục vụ cho công việc.

Tất nhiên trong phạm vi bài viết này, quan điểm của tôi là bạn hoàn toàn có thể tự làm 1 website khi sử dụng các ứng dụng làm website mà không cần biết lập trình. Trước đây, website đầu tiên mà tôi tự làm cũng chính là theo cách này, đến nay web vẫn hoạt động tốt và đem lại nguồn khách hàng đều đặn. Vì vậy, tôi tin bạn cũng có thể làm được.

Vậy thì bắt tay vào thôi!

Giờ là lúc làm website của bạn

Về cơ bản, dù bạn dùng nhà cung cấp nào, thì cũng có các bước chính như sau:

  • Bước 1: Đăng ký tài khoản dùng thử (miễn phí)
  • Bước 2: Tạo nhóm sản phẩm
  • Bước 3: Tạo sản phẩm cụ thể
  • Bước 4: Lựa chọn và thay đổi giao diện website
  • Bước 5: Tạo menu liên kết
  • Bước 6: Thay Đổi Tên Miền Và Cài Đặt Chung Cho Website
Chia sẻ Bài viết này:

Học SEO & Marketing Online Miễn phí

Tham gia vào Group Facebook & Zalo => Học cách ứng dụng AI Automation vào công việc, hoàn toàn FREE!