Quy trình SEO cho khách hàng phối hợp
Trong bài này, tôi sẽ chia sẻ quy trình SEO cho khách hàng có thể phối hợp tốt với công ty làm dịch vụ SEO.
Trước hết, để nắm hết được nội dung của bài này, bạn nên hiểu rõ về khái niệm SEO là gì, và tại sao cần làm SEO. Giờ, việc cần làm là xác định được nhu cầu bạn muốn tối ưu trong phạm vi nào, chẳng hạn:
- Bạn chỉ cần tư vấn về chiến lược và nghiệp vụ SEO, và sẽ tự bố trí nhân lực để thực hiện
- Công ty bạn muốn SEO từ khóa, có thể là một vài từ quan trọng trong lĩnh vực của mình, hoặc...
- Bạn muốn và có ngân sách làm SEO tổng thể, nghĩa là phát triển nội dung cho toàn bộ bộ từ khóa liên quan. Ngoài ra, có thể kết hợp cả với quảng cáo Google Adwords, và các trang riêng trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube...
Phạm vi cần tối ưu khác nhau sẽ liên quan đến chi phí trong báo giá dịch vụ SEO, thời gian thực hiện chiến dịch, và cả công sức mà người bên bạn phải phối hợp cùng với đơn vị dịch vụ trong suốt quá trình hợp tác.
Để cho dễ theo dõi, tôi sẽ nêu đầy đủ các bước của quy trình SEO tổng thể. Nếu nhu cầu của bạn ít hơn, thì vẫn có thể tham khảo, hoặc chỉ cần loại bỏ những nội dung không cần áp dụng là được.
Xin lưu ý, bài này tôi viết chia sẻ với khách hàng, là người thuê và trả tiền cho dịch vụ SEO. Nếu bạn là người cung cấp dịch vụ, thì vẫn có thể tham khảo, nhưng nếu muốn tìm hiểu xem nhân viên SEO phải làm gì, thì bạn đọc bài Quy trình cho người làm SEO.
Các bước trong Quy trình SEO cho khách hàng
Các bước của Quy trình SEO tổng thể bao gồm:
- Trao đổi thông tin
- Thống nhất báo giá
- Lập kế hoạch SEO
- Xây dựng bộ từ khóa
- Tối ưu website
- Triển khai SEO onpage
- Triển khai SEO offpage
- Theo dõi báo cáo, phân tích
- Đánh giá tổng kết
Tôi sẽ đi vào từng nội dung cụ thể...
Chuẩn bị: liên hệ, trao đổi nhu cầu, giải pháp, thống nhất báo giá dịch vụ
Ở bước này, bạn làm các công việc như với bất kỳ dịch vụ nào khác, từ bước tìm kiếm, so sánh, lựa chọn công ty SEO có uy tín với chi phí dịch vụ hợp lý nhất. Trong đó sẽ có phần trao đổi thông tin qua lại để tìm hiểu lẫn nhau.
Bạn cần cung cấp cho bên đối tác biết những thông tin như:
- Thông tin về hồ sơ công ty, sản phẩm dịch vụ đang kinh doanh
- Hiện trạng: công ty bạn đã có website, fanpage… chưa, tình trạng thế nào
- Nhu cầu cụ thể: cần SEO để bán hàng, hay để PR, tạo uy tín thương hiệu...
Thống nhất báo giá dịch vụ
Căn cứ theo những thông tin trao đổi qua lại, bên dịch vụ (có thể là công ty hoặc cá nhân) sẽ khảo sát sơ bộ và đưa ra báo giá dịch vụ SEO. Là người sử dụng, bạn có quyền đánh giá, so sánh báo giá, và lựa chọn cho mình một đối tác phù hợp nhất.
Việc đánh giá này cần dựa vào hồ sơ của công ty dịch vụ:
- Thâm niên và hồ sơ năng lực
- Khách hàng tiêu biểu đã sử dụng dịch vụ SEO
- Cách tư vấn về dịch vụ
- v.v...
Cần lưu ý, giá rẻ nhất thường không phải là lựa chọn tối ưu. Đây là dịch vụ vừa có tính chất xám (kỹ thuật website, phân tích báo cáo), vừa có chút nghệ thuật (marketing). Vì thế, dịch vụ tốt sẽ khó có giá rẻ. Thường “tiền nào của nấy” thôi.
>> Đọc thêm bài Cách chọn Công ty dịch vụ SEO phù hợp nhất
Sau khi chọn được đối tác phù hợp. Giờ mới là công việc chính của bên dịch vụ...
Lập kế hoạch SEO
Công ty dịch vụ sẽ chính thức khảo sát thực trạng, phân tích nhu cầu, và lập ra kế hoạch SEO cho toàn bộ chiến dịch mà bạn đang muốn theo đuổi.
Trong đó sẽ phải làm rõ một số nội dung quan trọng:
- Bạn (khách hàng) cần làm gì để phối hợp? Chẳng hạn: trả phí dịch vụ, bố trí người phối hợp, hướng dẫn chuyên môn cho người viết bài...
- Mục tiêu của chiến dịch làm SEO này là gì? Chẳng hạn: 10 từ khóa lên trang 1 Google. Hoặc có thể lập những mục tiêu marketing online cao hơn như: lượng truy cập web 1000 lượt/ngày, tỉ lệ thoát trang 80%, thời gian xem trang bình quân 3 phút/lượt, số lượng người vào trang Liên hệ là 50 lượt/tuần…
- Kế hoạch cụ thể theo tuần, theo tháng cho từng tiêu chí để đạt được mục tiêu nêu trên
- Những biện pháp điều chỉnh nếu không đạt mục tiêu đã lập: kéo dài thêm thời gian, phạt hợp đồng..
Xây dựng bộ từ khóa cần tối ưu
Một trong số những nội dung quan trọng phải làm đó là thống nhất xong bộ từ khóa (cụm từ khóa) có thể và nên được tối ưu trên website của bạn, và những từ bạn chọn để làm SEO trong hợp đồng. Số lượng từ khóa cần làm sẽ phụ thuộc vào phạm vi mà bạn yêu cầu từ bước trên. Hai bên sẽ chốt những từ khóa cụ thể sẽ làm.
Giả sử bạn muốn làm SEO tổng thể, khi đó bộ từ khóa sẽ gồm gần như trọn vẹn chủ đề của website. Trong đó, sẽ phân chia thành các cấp độ: từ khóa trung tâm (cấp 1 - cho trang chủ) đến những từ khóa về chủ đề con (cấp 2 - cho menu chính), và những từ khóa chi tiết (cấp 3, cấp 4 - trong các trang con). Thường thì nên dừng lại ở cấp 3, và ít khi đi đến cấp 4, cấp 5.
Bên dịch vụ sẽ thực hiện các nghiệp vụ SEO. Họ sử dụng công cụ chuyên dụng như Google Adwords, Keywordtool.io… để xác định nhu cầu tìm kiếm, cũng như mức độ cạnh tranh của từ khóa. Về mặt cung cầu, từ hoặc cụm từ nào có lượng tìm kiếm càng nhiều thì càng tiềm năng. Cùng với đó, nếu trong trang kết quả Google với 1 từ, có càng nhiều kết quả (vài chục triệu trở lên) và càng nhiều web “khủng” có mặt thì càng khó SEO lên top.
Từ khóa hấp dẫn thì thường được nhiều người tìm kiếm, nhưng ít website đang cung cấp thông tin. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn, thì đọc bài viết Cách xác định từ khóa để làm SEO.
Ví dụ về 1 bộ từ khóa được phân thành các cấp như trong hình dưới
(Ảnh phân cấp bộ từ khóa cho website)
Sau khi bên dịch vụ phân tích và xây dựng xong bộ từ khóa và thống nhất với bạn, họ sẽ bắt tay vào công việc liên quan đến website...
Tối ưu website, hoặc xây dựng lại nếu cần
Công việc này phải được sự đồng ý và phối hợp của bạn (chủ website). Nếu trong gói dịch vụ bao gồm việc xây dựng website mới, thì thường bên dịch vụ sẽ tiến hành luôn, có thể cùng lúc với việc xây dựng từ khóa.
Nhưng cũng có thể bạn đã có sẵn trang web rồi, và chỉ cần chỉnh sửa lại cho đạt chuẩn nữa mà thôi. Khi đó, bạn cần trao cho đơn vị dịch vụ quyền can thiệp vào để chỉnh sửa trang web. Thường thì họ sẽ cần quyền truy cập hosting (lưu trữ web) và/hoặc tài khoản quản trị (admin) để có thể sửa cấu trúc, giao diện, cũng như nội dung của trang web.
Để cho an toàn, bạn nên tự làm hoặc yêu cầu họ sao lưu (backup) lại toàn bộ dữ liệu trước khi tiến hành chỉnh sửa. Như vậy nhỡ có gì trục trặc, bạn vẫn có thể quay lại được trang web ban đầu của mình.
Một số chi tiết (hơi kỹ thuật một chút) cần chỉnh sửa cho cấu trúc và hình thức web theo được chuẩn SEO:
- Tên miền: nên có tên công ty bạn, và nếu có thể thì gồm cả từ khóa chính bằng tiếng Việt không dấu.
- Giao thức: nên chuyển sang dùng https thay vì http (mua chứng chỉ SSL)
- Giao diện: nên thân thiện với mobile
- Sơ đồ trang: nên có file sitemap.xml để Google dễ nhận biết nội dung chính của trang
- Từ khóa: cần đưa vào các thẻ meta của trang tương ứng
Khi trang web đã xây dựng xong hoặc chỉnh sửa lại cho tối ưu, người làm SEO sẽ bắt tay vào công việc chính của mình.
Triển khai SEO trên trang (onpage)
Nhân viên làm SEO sẽ dùng kỹ năng kinh nghiệm của mình để tối ưu hóa toàn bộ những gì có trên website (gọi là On-page).
Công đoạn này liên quan đến 1 việc rất quan trọng, là biên tập lại nội dung các trang bài viết.
Trung tâm của marketing online là việc tạo nội dung chất lượng. Chính nội dung hay, hấp dẫn người đọc sẽ mang ý nghĩa quyết định tới hiệu quả marketing. Những công việc khác là để giúp truyền tải tốt hơn nội dung đó đến công cụ tìm kiếm, và đến người đọc mà thôi.
Chính vì vậy người trong chuyên ngành online marketing mới có câu: Nội dung là vua (Content is king).
Tuy vậy, cũng cần làm rõ 1 điều: người làm dịch vụ SEO thường sẽ chỉ biên tập lại nội dung có sẵn cho thân thiện với Google. Họ có thể cung cấp dịch vụ viết bài riêng, với chi phí cụ thể. Nếu muốn, bạn có thể trao đổi rõ hơn về chi tiết này.
Ngoài yếu tố nội dung, còn những việc khác bên dịch vụ phải triển khai trong bước này. Tôi liệt kê để bạn biết, còn nếu muốn tìm hiểu kỹ thì có thể đọc bài về SEO Onpage:
- Đưa từ khóa vào vị trí cần thiết: tiêu đề chính, tiêu đề phụ, phần đầu nội dung,
- Tối ưu URL
- Tối ưu hình ảnh
- Tối ưu đường link đến website khác...
Trên đây là những việc thực hiện trên trang web, còn tiếp theo là những việc thực hiện ngoài trang, nhưng vẫn nhằm mục đích tối ưu cho website với Google.
Triển khai SEO ngoài trang (offpage)
Một loạt những công việc phải thực hiện dưới đây. Tôi liệt kê, nếu bạn chưa hiểu cũng không sao, sẽ tìm hiểu dần trong quá trình phối hợp công việc với bên làm dịch vụ SEO:
- Xây dựng liên kết backlink: liên kết từ website khác
- Xây dựng trang phụ trên các mạng xã hội (social network): giúp quảng bá và tăng truy cập cho web.
Trong đó thì quan trọng nhất là tạo link liên kết từ website khác về website của bạn, gọi là backlink. Nếu nội dung content hay được xem là Vua (King) thì backlink được ví như Hoàng hậu (Queen) vậy.
Backlink cần cả số lượng lẫn chất lượng. Càng có nhiều website uy tín liên kết về website của bạn, thì càng được Google đánh giá cao. Do đó, xây dựng link là một việc quan trọng trong SEO.
>> Xem thêm về SEO Off-Page tại đây
Theo dõi báo cáo, phân tích, và điều chỉnh
Sau khi thực hiện các bước công việc, hoặc trong quá trình thực hiện, người làm SEO sẽ phải thường xuyên kiểm tra các chỉ số (metrics) liên quan. Từ đó họ và bạn mới biết được hiện trạng và theo dõi được những tiến bộ đạt được.
Để làm việc này thì cần cài đặt một vài công cụ vào trong phần mã của trang web, tiêu biểu là Google Analytics hay Google Webmaster Tool. Nó cho phép bạn theo dõi được các chỉ số của trang web như:
- Số lượng người truy cập vào từng trang theo ngày, hoặc hiện thời… với từng trang con
- Số phiên (Sessions), số lần xem trang (Pageview)
- Tỉ lệ thoát trang (Exit Rate), bỏ trang (Bounce Rate)
- Các mục tiêu (goal)
Việc theo dõi các báo cáo này sẽ giúp bạn biết được hiệu quả của việc làm SEO. Câu hỏi bạn cần đặt ra là: mục tiêu của chiến dịch là gì, và đã đạt được chưa, nếu chưa thì cần làm gì và khi nào thì sẽ đạt được.
Hãy trao đổi những câu hỏi đó với bên làm dịch vụ. Họ có trách nhiệm hướng dẫn và giải đáp thỏa đáng với bạn.
Và nếu đã làm các bước công việc suôn sẻ, thì bước cuối cùng là
Tổng kết - bước cuối của Quy trình SEO cho khách hàng
Công việc mà bên làm dịch vụ thực hiện khá nhiều, trong khoảng thời gian cũng phải vài tháng trở lên. Sau mỗi đợt, hai bên cần có tổng kết đánh giá, để điều chỉnh rút kinh nghiệm. Nếu mọi sự tốt đẹp, bạn đạt mục tiêu SEO, thì đây là lúc tổng kết chiến dịch, và kết thúc hoặc gia hạn hợp đồng dịch vụ SEO.
Đến đây, tôi kết thúc bài viết về Quy trình SEO cho khách hàng biết để phối hợp. Hy vọng bạn hiểu hơn về công việc và nghề dịch vụ này. Chúc bạn thành công trong triển khai kế hoạch SEO của mình.
Nếu thấy hay thì Like & Share để mọi người cùng đọc. Cám ơn bạn!
Ghi chú: Công ty Carly chúng tôi ngoài dịch vụ thiết kế & SEO web, còn cả chạy quảng cáo Google, có nhiều ưu đãi cho khách hàng tại Hải Phòng.