Thẻ meta description là gì trong website? Cách viết nào hiệu quả?
Tìm hiểu thẻ meta description là gì rất quan trọng cho việc làm SEO website.
Thực chất đó là những thông tin quan trọng về trang web mà bạn cần nắm rõ chức năng cũng như cách thức để thực hiện.
Nếu không theo thì sao?
Thì bạn dễ làm sai, và kết quả là không tối ưu hóa hết tiềm năng mà website của mình có thể đạt được. Cụ thể: công cụ tìm kiếm không thấy để xếp hạng, hoặc khi được xếp hạng thì người dùng cũng ít khi xem trang (vì đọc tóm tắt không hấp dẫn).
Để tránh bị như vậy thì nên làm thế nào?
Bạn cần hiểu rõ meta description là gì, và biết cách viết nội dung thẻ này sao cho đúng và hay. Mục đích là để thân thiện với các cỗ máy tìm kiếm, cũng như với người dùng.
NỘI DUNG CHÍNH
Tôi sẽ bắt đầu với khái niệm...
Meta description là gì?
Meta description là thẻ mô tả tóm tắt nội dung của trang web (webpage). Dựa vào đó, công cụ tìm kiếm và người đọc có thể hiểu rõ hơn được về chủ đề trang web của bạn.
Thẻ “meta” thể hiện “thông tin về trang”, còn “description” nghĩa là mô tả. Cụm từ này có nghĩa mô tả tóm tắt về trang webpage mà bạn đang quan tâm.
Mục đích của thẻ mô tả này là để mỗi khi ai thấy bài viết của bạn trên Google hay Facebook thì lôi kéo họ nhấp vào đường link dẫn tới trang web của bạn.
Nhưng bạn sẽ không thấy nội dung thẻ này trên bản thân giao diện trang web theo cách thông thường.
Vậy nội dung meta description hiển thị ở đâu?
Xuất phát điểm phải là ở trong phần mã nguồn (source code), đặt trong thẻ có cấu trúc như sau:
<meta name="description" content="Nội dung cụ thể..." />
Phần này đặt trong cặp thẻ <head></head>, thường do lập trình viên viết sẵn khi xây dựng website. Người quản trị web (bạn) sẽ thay phần thông tin “Nội dung cụ thể...” ở trên bằng nội dung do mình tạo ra. Thực hiện bằng cách nhập liệu phần hệ thống quản trị nội dung (CMS) của website. Khi trang được đăng, thì nội dung tương ứng sẽ được ghi vào phần thẻ meta theo cấu trúc nêu trên, trong phần nội dung của thẻ <head>.
Trang bài viết này, có thẻ giới thiệu như trong hình dưới đây.
Phần tôi vừa nói có chút liên quan đến kỹ thuật, mà người không lập trình có thể không hiểu hết hoặc không mấy quan tâm.
Nếu bạn chưa quen với html, thì chỉ cần nhớ: nội dung thẻ meta description này sẽ được nhập ở đâu đó trong trang quản trị. Trường hợp bạn chưa biết chỗ nào, thì cần hỏi người lập trình web hướng dẫn, cũng rất nhanh thôi.
Vậy còn có chỗ nào mà người dùng thấy thông tin meta description nữa hay không?
Còn chứ!
Bạn còn thường thấy trong 2 vị trí như sau:
- Trên trang kết quả tìm kiếm (SERP) của Google, Bing, Cốc Cốc… Xuất hiện cùng tiêu đề bài viết (title), và có thể kèm theo một số thông tin khác như: URL, ngày tháng, điểm số… Cần lưu ý: trong 1 số trường hợp không có thẻ meta description (đang lãng phí cơ hội), hoặc Google xác định nội dung thẻ này không phù hợp với nội dung trong trang, thì nó sẽ trích dẫn tự động để tạo ra 1 đoạn mô tả (thường không hay, thậm chí có khi ngô nghê, vô nghĩa) trên trang kết quả. Vì thế, nếu chẳng may bạn thấy trang của mình bị như vậy, thì cũng không cần lo lắng quá, hãy kiểm tra lại và bổ sung hay viết lại mô tả cho phù hợp với chủ đề là giải quyết được vấn đề đó.
- Trên trang mạng xã hội khi URL của trang web được ai đó chia sẻ. Lúc đó nó sẽ hiển thị kiểu như thế này:
Thẻ Meta Description có gì mà quan trọng thế?
Meta Description thì cũng là câu chữ thôi, có gì mà ghê gớm đâu nhỉ!
Vâng, đúng thẻ này chỉ là lời lẽ mô tả thôi, nhưng lại có vai trò rất đáng kể nếu bạn muốn trang web của mình thân thiện với Search Engine, và cũng hấp dẫn với người dùng.
Nếu không quan tâm đến 2 yếu tố tôi vừa kể trên, thì rõ ràng thẻ Meta này cũng chẳng có gì hệ trọng. Bạn có thể viết kiểu gì cũng được, thậm chí là bỏ trống cũng chẳng sao, website vẫn chạy bình thường mà không bị lỗi.
Tuy nhiên, có ai lại muốn web của mình không được Google xếp hạng cao, và cũng chẳng hấp dẫn được người dùng?
Bạn có muốn như vậy không?
Tôi cá là không. Bởi nếu vậy thì bạn đã chẳng đọc bài viết này làm gì.
Khi bạn quan tâm tìm hiểu, nghĩa là muốn trang web của mình tối ưu, và bài này là tối ưu thẻ Meta Description. Và dưới đây là những lý do tại sao chúng ta nên tối ưu hóa thẻ này.
- Thẻ meta description cung cấp thông tin để giúp Google dễ nhận biết rõ hơn được chủ đề của bài viết. Máy móc phải hiểu được nội dung thì mới có thể định hướng tốt. Nếu Google không hiểu rõ trang của bạn viết về vấn đề gì, thì chắc chắn sẽ khó xếp hạng, chứ chưa nói đưa lên Top trong trang kết quả tìm kiếm. Vậy muốn đưa từ khóa lên Top, bạn phải biết cách tối ưu hóa thẻ Meta Description (tôi sẽ nêu chi tiết cách làm trong phần dưới).
- Và một khi người dùng đã thấy trang của bạn trên kết quả tìm kiếm (đã lên Top), thì bạn còn cần phải làm 1 việc nữa: lôi kéo người dùng vào trang của bạn. Đó chính là chức năng sâu xa của meta description. Trong rất rất nhiều kết quả (trang của đối thủ) xuất hiện cùng lúc, làm sao để người dùng nhấp chuột vào trang của bạn, chứ không phải trang khác? Họ sẽ lướt qua những chi tiết như tiêu đề (tôi đã viết trong bài viết riêng về thẻ title), sau đó đến meta description. Web nào càng nằm phía trên, và đoạn mô tả càng hấp dẫn thì có nhiều cơ hội được người dùng ghé thăm. Vì vậy, đoạn văn mang ý nghĩa quảng cáo ngắn này là yếu tố tiếp theo để kéo người dùng vào web, giúp tăng tỉ lệ nhấp chuột (CTR). Mặc dù Google không khẳng định thẻ meta description có ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng, mà chỉ nói CTR có ảnh hưởng. Vậy rõ ràng, meta description ảnh hưởng trực tiếp đến CTR, thì nghĩa là ít nhất cũng ảnh hưởng gián tiếp tới thứ hạng website. Bởi thế, tối ưu hóa meta description cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc làm SEO On-Page.
- Tương tự như vậy, khi xuất hiện ai đó chia sẻ URL trang của bạn trên mạng xã hội: nội dung Meta Description xuất hiện (như hình phía trên). Bạn bè khi nhìn thấy, có nhấp chuột vào xem trang hay không, rõ ràng cũng xem qua tóm tắt mô tả. Nếu đủ hấp dẫn thì họ sẽ vào xem tiếp.
Ô-kê, khi hiểu vai trò quan trọng như vậy, thì cần phải làm sao?
Rất đơn giản, chúng ta phải làm cho tốt, viết cho hay, đúng yêu cầu…
Đó là nội dung tiếp theo…
Cách viết Meta Description để lôi cuốn người đọc
Bạn phải tối ưu cả cho máy tìm kiếm và cho người đọc. Viết theo các tiêu chí chuẩn (cho máy), nhưng còn cần phải viết hấp dẫn (cho người đọc).
Và trong một số trường hợp phải lựa chọn 1 trong 2, thì luôn ưu tiên cho người đọc trước tiên. Tại sao? Vì Google cũng phải học cách thông minh hơn để chiều lòng người dùng, do đó nếu hiện tại quy định của nó có thể đang gây khó cho người dùng, thì tôi chắc chắn rằng sớm muộn nó sẽ thay đổi cập nhật, sẽ nhanh thôi. Bạn cứ đặt người dùng lên trên hết, thì sẽ an toàn về lâu về dài.
Dưới đây là những quy tắc phổ biến được rất nhiều người (có tôi) áp dụng trong việc viết content.
1. Độ dài hợp lý
Thực tế, Goolge đã vài lần thay đổi độ dài tối đa. ,Lần gần đây nhất đã cho phép đến 300 ký tự. Tuy vậy, thường thì bạn chỉ thấy Google chỉ để hiển thị khoảng 160 ký tự đầu tiên.
Do đó, bạn chỉ nên để meta description trong khoảng 150-160 ký tự là vừa.
Như vậy vừa thể hiện được nội dung, vừa không bị cắt gọt (phí công viết). Tôi có viết công cụ mô phỏng hình thức trang kết quả của Google, tại đó bạn có thể thấy độ dài bị cắt ngắn nếu vượt quá giới hạn quy định. Bạn có thể xem trước các thẻ title, URL, meta description... hiển thị trên kết quả như thế nào.
Tuy nhiên, cũng có 1 mẹo nhỏ là khi bắt đầu viết, bạn chưa cần để ý quá nhiều đến độ dài. Thay vào đó, hãy viết 1 đoạn giới thiệu hay, rồi tìm cách rút ngắn sau, nếu cần.
2. Giới thiệu tóm tắt đúng chủ đề trang
Đây chính là chức năng của thẻ Meta Description: phải nêu bật nên được chủ đề và hướng giải quyết vấn đề, để người đọc có thể hiểu bạn muốn viết gì trong trang đó.
Nếu chủ đề một đằng, mà mô tả lại 1 nẻo thì rõ ràng là chưa đạt yêu cầu. Nói cách khác, cần có sự ăn khớp và nhịp nhàng giữa chủ đề chính, thẻ tiêu đề, thẻ mô tả, với nội dung của trang.
3. Nội dung phải lôi cuốn người đọc
Nội dung dù chỉ là giới thiệu tóm tắt cũng rất quan trọng!
Khi người dùng đọc lướt, nếu cảm nhận được nội dung hấp dẫn, họ sẽ đọc kỹ và nhiều khả năng click chuột vào bài viết để xem thêm.
Vì vậy, ngoài việc đi thẳng vào chủ đề, bạn có thể sử dụng cách hành văn kết hợp với ngôn từ khéo léo để “quảng cáo” cho bài viết. Một số kỹ thuật có thể dùng như:
Thêm tính năng hoặc thông số, nhất là đối với những trang sản phẩm công nghệ
Thêm lời kêu gọi hành động (Call to Action), ví dụ: dùng ngay ưu đãi, hãy khám phá xem...
4. Chứa từ khóa chính
Sự hiện diện của từ khóa chính giúp Google và người dùng nhận biết chủ đề nhanh và rõ ràng. Từ khóa này nếu trùng khớp với cụm từ người dùng đang tìm kiếm, thì nó sẽ được bôi đậm trên trang kết quả tìm kiếm, tạo sự nổi bật để thu hút người dùng.
5. Không nhồi nhét từ khóa trong thẻ mô tả
Nên dùng từ khóa 1 lần duy nhất trong thẻ mô tả, ở vị trí càng gần đầu càng tốt. Nếu có lý do buộc phải dùng thêm, thì chỉ tối đa là 2 lần, và nên sử dụng từ khóa đồng nghĩa (không giống hệt), hoặc từ khóa LSI.
6. Tránh trùng lặp
Mỗi trang nên có riêng nội dung thẻ Meta Description, để tránh bị Google đánh lỗi trùng lặp nội dung. Nếu bạn có sự nghiên cứu xây dựng và phân nhóm hệ thống từ khóa bài bản, và viết bài dựa theo cấu trúc từ khóa này, thì khả năng trùng lặp là ít xảy ra.
7. Không dùng dấu ngoặc kép “” trong thẻ này
Nếu bạn sử dụng, Google sẽ hiểu đến vị trí dấu ngoặc là hết và sẽ ngắt đoạn ở đó. Do đó, đoạn giới thiệu sẽ bị cắt cụt ngủn ngoài dự kiến của bạn.
Để tránh tình trạng này, tốt nhất bạn nên tránh dùng dấu ngoặc kép, hay những ký tự không phải là chữ cái hay con số. Trường hợp có lý do phải sử dụng ký tự đặc biệt, bạn nên tham khảo và sử dụng ký tự thực thể HTML (entity) để tránh bị Google hiểu nhầm mà cắt xén nội dung.
8. Cân nhắc sử dụng dữ liệu có cấu trúc
Bằng cách dùng dữ liệu có cấu trúc (structured data), bạn có thể bổ sung thêm những thông tin hấp dẫn khác khi thẻ meta description hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm. Ví dụ như: số sao đánh giá (star ratings), ảnh đại diện...
Trên đây là một số tiêu chí mà cá nhân tôi cũng thường áp dụng để viết thẻ mô tả cho chuẩn SEO, và cũng để hấp dẫn người đọc. Chúng ta chỉ cần hiểu và áp dụng nhuần nhuyễn là đã ghi điểm rồi, ít nhất với kinh nghiệm nhiều năm của tôi là như vậy.
Tóm lược
Trong bài viết này tôi đã giải thích cặn kẽ thẻ Meta Description là gì, và vai trò quan trọng của nó khi làm SEO.
Ngoài ra, tôi cũng đã liệt kê những tiêu chí để đánh giá xem nội dung thẻ này như thế nào thì đạt yêu cầu, và có thể hấp dẫn người dùng. Điều này rất quan trọng giúp tăng tỉ lệ CTR và nhờ đó tăng thứ hạng website của bạn.
Còn bạn?
Bạn có cách thức nào hay trong việc viết thẻ mô tả này? Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn ở đây cho mọi người cùng tham khảo nhé.