Cách phát hiện và loại bỏ backlink xấu - cập nhật 2019
Biết cách phát hiện và loại bỏ backlink xấu là một kỹ năng quan trọng trong việc làm SEO.
Không chỉ xây dựng liên kết tốt mới quan trọng. Việc phát hiện và loại bỏ những đường liên kết có hại cũng góp phần đáng kể tới hiệu quả SEO.
Tại sao như vậy?
Hiểu một cách đơn giản, liên kết tốt thì kéo web của bạn lên, còn liên kết xấu sẽ “dìm” trang của bạn xuống. Điều này đúng, ít nhất là trong con mắt của công cụ tìm kiếm, cũng như với người dùng.
Vậy cụ thể backlink xấu là gì? Gồm những loại nào? Làm sao để loại bỏ chúng?
NỘI DUNG CHÍNH
Đó là nội dung chính của bài này. Trước hết, cần hiểu rõ bản chất của link xấu.
Backlink xấu là gì?
Là tất cả các đường liên kết từ domain khác trỏ đến nhưng lại không có giá trị, hoặc có tác dụng tiêu cực đến thứ hạng website của bạn.
Các công cụ tìm kiếm dùng thuật toán để phát hiện link xấu, qua đó đánh giá chất lượng website. Nhiều backlink xấu có thể dẫn tới tụt hạng, giảm uy tín, và nghiêm trọng hơn là có thể bị Google xử phạt (penalty) hoặc cấm (ban).
Chẳng webmaster nào muốn web của mình bị như vậy, đúng không? Chắc chắn là thế!
10 loại backlink xấu
Link xấu ít khi là tự nhiên và không có nhiều giá trị. Cũng có loại được các webmaster hay SEOer tạo ra nhưng do không áp dụng đúng cách, hoặc theo cách thức cũ đã lạc hậu, nên dần trở nên phản tác dụng. Nguy ngại nhất là các link do đối thủ tạo ra với dụng ý xấu (gọi là “bẩn”), nhằm kéo tụt thứ hạng của bạn.
Tôi liệt kê dưới đây những loại hay gặp, mà cá nhân tôi cũng đã va vào ít nhất một vài lần. Mục đích của việc phân loại này là để nhận biết và loại bỏ, nhằm tăng rank cho web của bạn. Chi tiết cách loại bỏ sẽ có trong phần cuối bài.
Trong trường hợp bạn vẫn còn phân vân về tiêu chí xếp loại, thì có thể lấy Google’s quality guidelines làm căn cứ tham khảo.
Và đây là 10 loại backlink vi phạm quy định của Google mà ta thường hay gặp, kể cả ở Việt Nam.
- Trao đổi link. Khoảng 10 năm trước đây, việc trao đổi link là hoàn toàn bình thường. Các webmaster khi đó có thể làm hàng trăm link theo cách này, và có xu hướng thao túng các cỗ máy tìm kiếm. Vì vậy Google đã ngăn chặn việc đó. Nếu bạn trao đổi link với vài người bạn hoặc đối tác thì không vấn đề gì. Nhưng nếu trao đổi với số lượng lớn, nhất là từ các Link Farm (trang trại trao đổi liên kết), thì đã vi phạm chính sách của Google.
- Tham gia vào mạng lưới blog (blog network). Từ năm 2012 Google bắt đầu xử phạt những website tham gia vào những mạng lưới như vậy. Do đó, nếu web của bạn có backlink từ đó thì đang gặp rủi ro bị Google xử phạt.
- Link quảng cáo không có thuộc tính “nofollow”. Google nêu rõ với những đường link thương mại (trả tiền hoặc được tài trợ), thì phải đặt thuộc tính “nofollow”.
- Hack hoặc dấu link trong CSS hay Javascript. Nếu bạn hack website khác để đặt backlink, con bọ của Google sẽ phát hiện ra khi crawl web của bạn, và xem đó là sự vi phạm. Ngoài ra, nếu bạn cố ý đặt link ẩn trong CSS hay Javascript thì cũng coi như là 1 cách lách luật và bạn nên tránh làm cách đó.
- Backlinks đặt trên phạm vi toàn website (sitewide). Điển hình là loại link đặt ở Footer hoặc Sidebar hiển thị trên tất cả các trang con. Theo cách đó, nhiều khi sẽ không có sự liên quan đến nội dung ở trang đích, giống như 1 cách spam để tạo backlink.
- Anchor Text lặp lại quá nhiều. Dù là link nội bộ (internal) hay backlink, nếu bạn lặp lại cùng một từ khóa trong dòng chữ liên kết (Anchor Text) quá nhiều lần, thì Google nhiều khả năng sẽ phát hiện ra và trang của bạn sẽ bị phạt.
- Backlink từ website có ngôn ngữ khác. Nếu trang của bạn viết bằng tiếng Việt, nhưng lại có hàng trăm liên kết trỏ đến từ các trang tiếng Nga hay tiếng Pháp, thì rõ ràng đang có vấn đề về sự liên quan.
- Các web danh bạ có chất lượng thấp. Trước đây, xây dựng backlink từ các danh bạ (directory) là cách làm phổ biến, nhưng ngày nay không còn nhiều hiệu quả, kể cả loại miễn phí hay phải trả tiền. Do đó, thay vì việc submit vào hàng trăm web danh bạ chất lượng kém, bạn chỉ cần tập trung đăng ký vào một số trang uy tín (như Trang Vàng), hoặc những web danh bạ trong chuyên ngành của bạn.
- Backlink không liên quan. Nếu bạn có website kinh doanh xe hơi, nhưng có backlink từ trang bán thuốc trừ sâu, thì rõ ràng là chẳng ăn nhập gì. Thuật toán của Google sẽ phát hiện ra sự bất thường này, và sẽ cho bạn điểm trừ về SEO.
- Backlink chất lượng kém. Liên kết dễ kiếm thì thường ít giá trị. Những backlink từ chữ ký cá nhân trong các diễn đàn, danh bạ miễn phí, trang wiki, hay những website “cỏ” (không có nội dung gì đáng kể)… đều có thể được liệt kê vào dạng này.
Trên đây là những loại backlink xấu thuộc diện khá phổ biến mà Google cho rằng vi phạm chính sách của họ. Một cách đầy đủ hơn, thì Google trừ điểm tất cả những liên kết nào sinh ra nhằm thao túng PageRank (thứ hạng trang).
Nếu buộc phải dùng chủ quan để nhận định, bạn nên đặt câu hỏi:
Liệu có phải backlink này chỉ phục vụ mục đích SEO?
Nếu câu trả lời là có, gần như chắc chắn vi phạm chính sách nói trên, và hãy tìm cách loại bỏ nó.
Dấu hiệu xác định backlink xấu
Nếu phải phát hiện và sàng lọc 1 danh sách hàng ngàn link để biết đâu là cái xấu, thì phải làm thế nào? Căn cứ vào đâu để quét nhanh những cái chắc chắn phải loại bỏ, hay ít nhất là cần sự quan tâm cân nhắc nhiều hơn?
Tôi đã phải phân loại cho 1 website có danh sách gồm hơn 36 nghìn backlink. Và sử dụng những dấu hiệu backlink có hại đã giúp tôi rất nhiều. Cụ thể như sau:
- Trong URL có những từ ngữ với nội dung không phù hợp như: porn, sex… Trong list tôi đã làm cho web về xuất nhập khẩu, nhìn qua hình dưới đã thấy ngay những link thuộc nhóm này.
- Tên miền gốc có những cụm từ như: directory (hoặc dir), links, chẳng hạn như fastlinks.com
- Tên miền gốc có những từ liên quan đến SEO như: ‘domain’, ‘search’, ‘seo’. Ví dụ: cheapdomain.com; seotop.vn; quicksearch.net
- Tên miền gốc gồm chuỗi những chữ cái và chữ số vô nghĩa, ví dụ: 1241wccr.com; aacmeo954222345.vn
- Có sự bất thường trong tên miền quốc gia cấp cao nhất (tiếng Anh gọi là: Country code top-level domain, viết tắt là ccTLD). Hầu hết các website đàng hoàng đều chọn những tên miền phổ biến như .com, .net, .org, .edu, hay những tên miền quốc gia có liên quan (như .vn).
- Những trang web có tên miền xa lạ hoặc bất thường thường là web rác với dụng ý spam, chẳng hạn như .casino, .ooo, .clothing.
- Tiêu đề trang (Page Title) có chứa những từ khóa như đã liệt kê trên đây, hoặc những cụm từ như “trao đổi link”, “link partner”.
- Nếu có nhiều URL trong danh sách backlink trùng lặp địa chỉ Root IP, mà một trong số đó là link spam, thì nhiều khả năng số còn lại cũng là spam. Tất nhiên, bạn vẫn nên kiểm tra cân nhắc cẩn thận và cụ thể, vì nhiều site dùng host của blogspot.com hay wordpress.com thì vô hại, mặc dù có chung địa chỉ IP.
Căn cứ vào dấu hiệu nêu trên để xác định nhanh cái xấu. Giờ là cách loại bỏ ảnh hưởng của chúng đến thứ hạng của website của bạn.
Cách loại bỏ ảnh hưởng của các backlink “bẩn”
Sau khi hiểu thế nào là backlink có hại và cách nhận biết, bạn sẽ thực hiện một số bước để loại bỏ chúng:
- Thu thập dữ liệu đầy đủ về hệ thống backlink mà website của bạn đang có
- Nghiên cứu phân tích và xác định những backlink xấu
- Gỡ bỏ các backlink xấu đó
- Từ chối backlink xấu, nếu không loại bỏ được
Và đây là chi tiết các bước thực hiện:
1. Thu thập dữ liệu về hệ thống backlink hiện có
Việc bạn cần làm là thu thập tất cả dữ liệu về hệ thống backlink. Nếu có thể, bạn nên dùng nhiều nguồn khác nhau để kiểm tra. Dữ liệu càng đầy đủ càng tốt. Mục đích là để không bỏ sót liên kết nào trong số đó.
Cách thông dụng là dùng công cụ miễn phí của Google, hoặc những ứng dụng mất phí như Ahref, Moz...
Cách dùng Google Search Console
- Đăng nhập, chọn Site trong phần Search Properties; vào phần “Liên kết” (Links) trên thanh công cụ dọc bên trái.
- Trên cửa sổ chính bên phải, kéo xuống phía dưới và chọn “Các trang web liên kết hàng đầu” (Top link sites)
- Chọn “Thêm” (More) để xem toàn bộ các link, sau bạn có thể chọn biểu tượng tải xuống (Export data) và lưu file ở dạng CVS hoặc Google Sheet.
File có được là danh sách tất cả các backlink trỏ đến website của bạn mà Google tìm thấy. Nếu dùng các công cụ khác, bạn có thêm dữ liệu, nhưng sẽ có nhiều đường link trùng với kết quả của Google.
Để cho dễ và tiết kiệm, bạn có thể chỉ cần căn cứ theo báo cáo trong file của Google như trên đây là đã có thể làm tốt việc thu thập danh sách backlink của mình rồi. Giờ là lúc đi sâu tìm hiểu thêm về tài nguyên này.
2. Lập danh sách backlink xấu
Mở file CVS vừa download ở bước trên. Áp dụng những dấu hiệu xác định backlink xấu (nêu trên). Mục đích của bước này là lọc ra toàn bộ những liên kết nào có hại cho website của bạn.
Với số lượng liên kết ít, chẳng hạn danh sách dưới 100, thì bạn hoàn toàn có thể thực hiện việc phân loại thủ công bằng mắt thường. Nhưng với số lượng lớn, từ vài ngàn trở lên, thì nên có công cụ hỗ trợ. Việc sử dụng những ứng dụng như Ahref sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn, trong việc xác định link xấu, nhất là backlink bẩn.
Trên thực tế, bạn vẫn sẽ thấy nhiều liên kết bình thường, nhưng lại không có giá trị gì, và có thể liệt chúng vào loại “link rác”. Ví dụ điển hình là liên kết từ những trang web và bài viết có chủ đề chính không mấy liên quan, hoặc từ trang mới thành lập với chỉ số DA rất thấp. Với link loại này, bạn cần tự mình cân nhắc phương án xếp vào loại có hại hay không.
Dù làm thủ công hay kết hợp với ứng dụng xây dựng backlink, bạn cũng cần thận trọng. Cần tránh xóa bỏ link tốt cũng như không bỏ sót link có hại.
Khi kết thúc bước này, bạn lọc ra được danh sách cụ thể các liên kết chất lượng kém cần loại bỏ.
Hãy tạo file dạng text, để có thể sẵn sàng upload lên ứng dụng từ chối link (disavow) trong phần cuối. Một số lưu ý quan trọng với file này:
- Tệp phải có đuôi .txt và phải mã hóa bằng UTF-8 hoặc 7-bit ASCII
- Mỗi dòng chỉ được nhập 1 liên kết
- Nếu muốn Google bỏ qua tất cả các liên kết từ một miền (ví dụ abc.vn), hãy thêm dòng domain:abc.vn.
- Nếu muốn bổ sung dòng ghi chú vào file này và Google bỏ qua nội dung dòng đó, thì thêm ký tự “#” ở đầu dòng.
File từ chối link dạng .txt
3. Gỡ bỏ các backlink có hại
Với danh sách trong tay, hãy tìm thông tin của các webmaster hoặc người chịu trách nhiệm về nội dung của các trang đó. Một số cách tìm như sau:
- Tìm trong trang Liên hệ, thường có dạng: tenmien.com/contact, tenmien.vn/lien-he. Ở đó thường có số điện thoại, email, hoặc biểu mẫu liên hệ.
- Dùng dịch vụ mất phí như BuzzStream hay Voilanorbert.com để tìm email của ai đó trên website.
- Vào trang Whois.net để tìm thông tin liên hệ của người chủ tên miền, hay của công ty cung cấp dịch vụ hosting, liên hệ qua đó để có thông tin của webmaster. Cách này ít hiệu quả hơn nhưng cũng đáng để thử khi cần.
Gửi email và đề nghị webmaster gỡ bỏ đường link đến website của bạn.
Nếu các webmaster làm theo đề nghị của bạn, thì đó là điều may mắn. Việc loại bỏ theo cách này là triệt để. Do đó, dù cách này mất thời gian một chút, theo tôi bạn vẫn nên thực hiện trước.
Trường hợp không nhận được thông tin phản hồi từ webmaster, sau khoảng 1 đến 2 tuần, bạn chuyển sang bước tiếp: dùng cách tự bảo vệ mình.
4. Từ chối backlink xấu mà bạn không gỡ bỏ được
Disavow Link là gì?
Đó là việc thông báo cho công cụ tìm kiếm như Google hay Bing biết rằng bạn từ chối (disavow) những đường link xấu trỏ đến website của bạn. Search Engine sẽ bỏ qua, không tính các link đó vào hệ thống backlink của bạn nữa, và do đó, bạn sẽ loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực của chúng.
Về bản chất, các đường link mà bạn từ chối theo cách này thì vẫn cứ tồn tại về mặt vật lý. Chỉ có điều, chúng không có giá trị về mặt SEO, do các công cụ tìm kiếm không đánh giá trang web của bạn thông qua các link này.
Vậy cách từ chối thế nào?
Với danh sách backlink xấu trong tay, bạn sẽ nộp cho 2 SE lớn nhất hiện nay là Google và Bing. Lưu ý: với cả 2 SE này, bạn đều có thể chọn ngôn ngữ hiển thị cho phù hợp với mình, thường là Tiếng Việt hoặc Tiếng Anh.
Các bước Disavow Links với Google
- Vào trang Công cụ từ chối liên kết của Google,
- Đăng nhập tài khoản của bạn, rồi chọn trang web bạn đang muốn quản lý (nếu có nhiều trang).
- Nhấp vào nút “Từ chối liên kết”, bạn sẽ thấy dòng cảnh báo “Đây là một tính năng nâng cao và chỉ nên sử dụng một cách thận trọng…”.
- Nhấp vào nút “Liên kết Disavow” để hiện trang thông báo. Nhấp vào nút “Chọn tệp” để chọn file danh sách backlink cần từ chối, mà bạn đã lập ở bước trên.
- Nhấp nút “Gửi” và “Hoàn thành” để kết thúc công việc.
File mới tải lên sẽ thay thế tất cả những file mà bản tải lên trước đây. Và bạn cũng phải chờ vài ngày đến vài tuần để Google cập nhật dữ liệu.
Còn với Bing thì sao? Cách làm cũng tương tự...
Các bước Disavow Links với Bing
- Đăng nhập vào Bing Webmaster Tools. Chọn site bạn muốn quản lý.
- Trong menu trái, ở phần “Configure my site” (Cấu hình trang web của tôi), chọn “Disavow Links” (Từ chối liên kết).
- Sử dụng trình đơn thả xuống, chọn từ chối 1 trang (Page), 1 thư mục (Directory) hay cả 1 tên miền (Domain).
- Nhập URL bạn muốn từ chối, sau đó nhấp vào nút lệnh “Disavow”. Khác với Google cho phép từ chối cả file danh sách gồm nhiều URL hay domain, bạn chỉ có thể từ chối từng trang / thư mục / tên miền trong Bing.
- Bạn sẽ thấy nội dung vừa gửi phía dưới cùng với ngày từ chối. Nếu muốn, bạn có thể tải xuống danh sách các link đã từ chối dạng file .CVS.
- Trường hợp bạn muốn xóa nội dung đã gửi, chỉ cần tick ô chọn và nhấn “Delete” là xong.
Lời kết
Việc gỡ bỏ backlink xấu cũng quan trọng không kém với xây dựng hệ thống backlink tốt. Chúng đều giúp tăng thứ hạng website của bạn trong con mắt của các Search Engine.
Trong bài viết này tôi đã nói rõ về cách xác định và gỡ bỏ hay vô hiệu hóa các liên kết có hại có website.
Bạn cần để ý đến tất cả các backlink tới website của bạn, và cố gắng gỡ bỏ hoặc từ chối những liên kết xấu. Hãy kiểm tra thường xuyên trước khi quá muộn.
Bạn cũng nên xây dựng backlink từ nhiều nguồn khác nhau và sàng lọc để xác định hiệu quả.
Việc phát triển 1 hệ thống link mạnh, chuẩn, và sạch đòi hỏi thời gian và công sức. Nhưng điều đó giá trị và chúng ta hoàn toàn thực hiện được nếu biết cách.
Kinh nghiệm của bạn trong việc phát hiện và loại bỏ backlink xấu thế nào?